[BÁO SỨC KHỎE & ĐỜI SỐNG] TĂNG CƯỜNG HỆ TIÊU HÓA, CỐT LÕI PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH

[BÁO SỨC KHỎE & ĐỜI SỐNG] TĂNG CƯỜNG HỆ TIÊU HÓA, CỐT LÕI PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH

Ngày 19/12/2019, Báo Sức khỏe Đời sống phối hợp cùng BV Chợ Rẫy tổ chức chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe “Tăng cường hệ tiêu hóa, cốt lõi phòng chống dịch bệnh” tại BV Chợ Rẫy, với sự tham gia của các bác sĩ BV Chợ Rẫy, BS. CKII Hồ Tấn Phát, Trưởng khoa Nội Tiêu hóa và TS. BS. Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa Dinh dưỡng.

Mỗi ngày, BV Chợ Rẫy tiếp nhận khám và điều trị cho hàng ngàn lượt bệnh nhân. Theo các chuyên gia, bên cạnh các nguyên nhân do bẩm sinh, di truyền, chúng ta nhận thấy phần lớn các bệnh từ chế độ dinh dưỡng, đặc biệt là các bệnh mạn tính không lây nhiễm. Bên cạnh đó, tại Việt Nam, các bệnh về tiêu hóa vẫn đứng hàng đầu ở tỷ lệ người mắc bệnh, nhất là các bệnh loét đường tiêu hóa chiếm hơn 50% trong cộng đồng.

Một hệ tiêu hóa bị tổn thương sẽ khởi đầu cho sức khỏe toàn thân bị suy yếu vì không được cung cấp đủ các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất để hoạt động (Ảnh minh họa)

Một hệ thống tiêu hóa tốt đóng một vai trò cốt lõi trong sức khỏe toàn thân. Hệ thống tiêu hóa không chỉ là cơ quan chính của cơ thể đối với việc tiếp nhận và hấp thu chất dinh dưỡng. Hệ thống các cơ quan tiêu hóa quan trọng này cũng hoạt động như một loại tổng đài hoặc trung tâm liên lạc với não bộ là một trong những tuyến đầu của cơ thể trong cuộc chiến chống lại bệnh tật.

Tiêu hóa cung cấp các chất dinh dưỡng như protein, chất béo, carbohydrate, vitamin và khoáng chất, nước từ thức ăn và đồ uống để cơ thể bạn hấp thụ và sử dụng cho năng lượng, tăng trưởng và sửa chữa tế bào.

Thỉnh thoảng, mọi người ở mọi lứa tuổi đều gặp phải các vấn đề về tiêu hóa, nhưng khi chúng ta già đi, những phiền toái như táo bón, tiêu chảy và khí gas gây đầy bụng… có thể ngày càng trở nên phổ biến. Các khía cạnh của sức khỏe thể chất của chúng ta thay đổi tự nhiên theo tuổi tác, nhưng chế độ ăn uống kém, sử dụng quá nhiều thực phẩm không đảm bảo chất lượng, uống nước không đúng cách… sẽ góp phần làm giảm men tiêu hóa và hệ vi sinh vật đường tiêu hóa mất cân bằng, dẫn đến sự tàn phá cả hệ thống tiêu hóa và miễn dịch của chúng ta.

Những gì chúng ta ăn và uống, cách chúng ta ăn, chất lượng từng loại thực phẩm, đặc biệt là chất lượng nước, cũng có thể làm suy giảm sức khỏe tiêu hóa (Ảnh minh họa)

Hiện nay ở Việt Nam, theo BS. CKII Hồ Tấn Phát, bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh về lý đường tiêu hóa tăng 20% mỗi năm. Tại nhiều hội thảo khoa học chuyên đề liên quan đến tiêu hóa, các chuyên gia khuyến cáo, 10% dân số Việt Nam mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa.

Các bệnh thường gặp của hệ tiêu hóa: Ợ nóng, còn được gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD); viêm loét dạ dày; sỏi mật; táo bón; tiêu chảy…

Theo các chuyên gia y tế, rất nhiều nguyên nhân có thể gây nguy hại cho chức năng tiêu hoá. Ở một số người, có thể vấn đề là do di truyền. Ở những người khác, có thể xảy ra tình trạng hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công “nhầm” vào chính hệ thống tiêu hóa, gây ra các “thảm hoạ” tiêu hóa của cơ thể. Những gì chúng ta ăn và uống, cách chúng ta ăn, chất lượng từng loại thực phẩm, đặc biệt là chất lượng nước, cũng có thể làm suy giảm sức khỏe tiêu hóa.

Truy cập Tăng cường hệ tiêu hóa, cốt lõi phòng chống dịch bệnh để xem chi tiết bài báo gốc.